Long Phú xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đời sống, vật chất, tinh thần của phần lớn các gia đình đã được cải thiện. Các gia đình có điều kiện để thực hiện trách nhiệm của mình ngày một tốt hơn; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được bình đẳng và quyền trẻ em được thực hiện đầy đủ hơn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đi vào chiều sâu và được coi trọng về chất lượng. Công tác giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quan tâm một cách đúng mức, việc bình xét, suy tôn các gia đình văn hóa tiêu biểu hàng năm tạo nên khí thế thi đua sôi nổi. Đến nay toàn huyện có 24.900/26.541 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 94%.
Ông Hồ Quốc Hùng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Long Phú thông tin: “Hàng năm, các cấp, ngành phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình một cách đồng bộ. Vào những dịp: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với các chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” … đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; gặp mặt gia đình tiêu biểu xuất sắc … các hoạt động này đã thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư”. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và Nhân dân quan tâm. Hàng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo đưa nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, đưa các nội dung bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, các tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc vào hương ước, quy ước khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Thông qua các hoạt động đó,, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, gia đình hiện nay cũng gặp phải những thách thức của sự chuyển hóa từ truyền thống sang hiện đại, quy mô gia đình có sự thay đổi đáng kể dẫn đến một số vấn đề: Thiếu sự hỗ trợ giáo dục truyền thống, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, vấn đề ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục trước hôn nhân … Để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, xã hội, cộng đồng và mỗi thành viên trong gia đình; cần tạo ra những sân chơi mới, thích hợp và hấp dẫn đối với mọi người; kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm văn hóa, chọn lọc và xử lý các thông tin du nhập từ nước ngoài; chú trọng giáo dục các giá trị văn hóa, đạo lý, nếp sống gia đình; xây dựng nền nếp gia đình dân chủ, bình đẳng tôn trọng nhau, cùng bàn bạc và quyết định. Cùng với đó, mỗi bậc cha mẹ, ông bà cũng phải là những tấm gương sáng để con cháu noi theo, để gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người.
Chú thích ảnh: Bữa cơm ấm áp của gia đình 3 thế hệ.
Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội; là nơi giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách văn hóa con người, tập trung vào hệ giá trị: Đoàn kết, yêu thương, hiếu học, trách nhiệm, giáo dục con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ; tôn trọng pháp luật, phát triển kinh tế gia đình, ý thức bảo vệ môi trường. Thường xuyên giáo dục bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, yêu quê hương; lòng tự hào dân tộc, tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương; bồi dưỡng về đạo đức, nhân cách, lối sống trong sạch, lành mạnh. Lối sống tự trọng, tự chủ, năng động, sáng tạo vì mọi người, đề cao trách nhiệm cá nhân và gia đình. Giáo dục đề cao truyền thống nghĩa khí, song song với tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ luât, kỷ cương. Đặc biệt là đề cao vị trí vai trò trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, quan tâm, yêu thương, chăm sóc nhau về mọi mặt, bình đẳng trong cuộc sống.
Theo ông Hồ Quốc Hùng, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc thì phải tập trung lãnh đạo xây dựng mỗi cơ quan, nhà trường, đơn vị, cộng đồng dân cư là một môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tập thể. Xây dựng gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người; mỗi gia đình thật sự là một tế bào lành mạnh của xã hội. Hiện nay, huyện Long Phú nhiều gia đình đã chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, quan tâm chăm sóc, giáo dục, động viên giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho các thành viên trong gia đình được học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển nhân cách, tâm hồn, và thể chất.
Bài và ảnh: Sóc Ca.